Thiển ngộ về nội hàm của “Chân” qua quá trình tu luyện và chứng thực Pháp

Xin chào các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên cả nước!

Tôi bắt đầu tu luyện vào năm 2015, trong suốt thời gian đó, cá nhân tôi đã được dung luyện và thọ ích rất nhiều từ Đại Pháp. Qua suốt một quãng thời gian, tôi nhận thấy Sư Phụ đã an bài nhiều thử thách cũng điểm hóa để bản thân tôi được đề cao một cách dần dần. Tôi nhận thấy rằng mỗi một quan, mỗi một sự việc mà cá nhân mình gặp phải giống như một bài thi mà tự mình phải trải qua, có lúc hoàn thành được tốt, cũng có lúc hoàn thành không tốt. Trong suốt quá trình đó, tôi dần thể hội được nội hàm của ba chữ Chân, Thiện, Nhẫn mà tôi xin được chia sẻ với mọi người sau đây.

Cơ duyên tiếp dẫn tôi biết đến Đại Pháp là thông qua sự giới thiệu của một người bạn thân, tôi đã đọc Chuyển Pháp Luân khá lâu trước khi tôi chính thức bắt đầu tu luyện. Đối với Pháp mà Sư Phụ giảng trong sách, tôi đều dần dần nhận thức được, còn về nội hàm của ba chữ Chân Thiện Nhẫn lúc đầu tôi chỉ hiểu đơn giản Chân là chân thật, không giải dối, Thiện là thiện lương với hết thảy mọi người, còn Nhẫn ở đây là sự nhẫn nhịn, gặp vấn đề nên soi xét ở bản thân mình trước. Nhưng trong suốt quá trình đề cao của mình, tôi phát hiện ra rằng, “Chân – Thiện – Nhẫn” còn có nội hàm sâu hơn, không chỉ đơn thuần như vậy.

“Chân” là phải “chính”

 Cũng như nhiều học viên mới khác, khi mới tu luyện, tôi vô cùng hoan hỉ và muốn làm tốt ba việc, tôi cố gắng tìm một môi trường để có thể làm việc chứng thực Pháp. Với sự vô tư, tôi đã tìm trên mạng và liên lạc được với một người điều phối của một trang tin tức. Vì có sẵn vốn ngoại ngữ nhất định, người điều phối ấy đã giao cho tôi việc phiên dịch các bản tin từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc, tôi không hề gặp mặt trực tiếp anh ta mà chỉ liên lạc qua mạng, trong những cuộc gọi, chỉ có tôi mới phải mở camera còn anh ta thì không, việc hướng dẫn thao tác cho tôi cũng qua phần mềm vì lý do “bảo mật”, anh ấy còn dặn trước tôi rằng những người điều phối này đôi khi sẽ nói năng hơi nặng lời một chút vì tính chất công việc, đã là người tu luyện thì tôi nên biết “nhẫn”.

 Lúc ấy tôi đồng ý tất cả vì nghĩ rằng mình phải “chân”, công việc cứ như vậy tiếp tục được hai tuần thì chiếc laptop của tôi bị hỏng và không thể sửa được. Một người bạn hảo tâm đã tự sửa lại chiếc laptop cũ của cậu ấy rồi cho tôi mượn để tôi có thể tiếp tục công việc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì chiếc laptop này cũng hỏng và không còn sửa được nữa, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi cũng chưa thể mua máy mới. Lúc đó tôi hơi hụt hẫng vì không thể tiếp tục làm việc thứ ba, tôi cũng đã không ngừng hướng nội nhưng vẫn chưa biết được bản thân mình thiếu sót ở đâu.

Cho đến một ngày kia, sau khi kết thúc buổi dạy học. Có một học viên trong lớp tôi đột nhiên hỏi tôi rằng: “Thầy có biết Pháp Luân Công không?” Thời gian đó tôi vẫn chưa kể với ai trong lớp là mình đang học  Pháp Luân Công. Nên khi cô ta hỏi, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, sau đó tôi mới biết rằng cô gái này tuy không phải là người tu luyện nhưng chị của cô ấy lại là học viên Đại Pháp, cô ấy rất vui vẻ giới thiệu cho tôi nhóm học viên này. Đấy thoạt nhìn như là một sự việc tình cờ nhưng tôi biết rằng đây chính là sự an bài của Sư Phụ.

Khi gặp mặt trực tiếp nhóm học viên mới, họ lại tiếp tục mời tôi vào làm tiếp hạng mục dịch thuật như đúng khả năng vốn có, điều tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên là thái độ công khai và cởi mở của họ. Việc làm của họ không phải thông qua nhiều bước “bảo mật”, và họ cũng không hề căn dặn tôi phải cư xử thế nào cho “phải phép” với người điều phối, thậm chí tôi còn không biết có người điều phối hay không, mọi người chỉ toàn tâm toàn ý làm tốt việc của mình và hỗ trợ người khác. Nhìn thì không hề có lề lối gì nhưng mọi thứ đều rất trật tự, có trước có sau. Qua thực tế hạng mục và trao đổi cùng các học viên lâu năm, tôi mới dần dần hiểu được thế nào là “chân tướng”. Trước đây bằng sự nhiệt tình nhất thời, khi thấy trên mạng có bài viết có nội dung về cuộc bức hại  Pháp Luân Công hay những bài viết về Đại Pháp, tôi đều nhất loạt chia sẻ lại trên facebook cá nhân, hoặc cùng lắm tôi chỉ làm những việc người khác bảo tôi làm và cho rằng như vậy cũng là tham gia giảng chân tướng. Nhưng thực ra có nhiều khi bản thân tôi vẫn chưa hề xem hết nội dung, và cũng chưa bao giờ thực sự tìm hiểu xem “chân tướng” là gì. Dù rằng đó là những bài viết chính diện, nhưng bản thân mình có thực sự hiểu “chân tướng” là những việc gì không? Cuộc bức hại này từ đâu? Vì sao lại có bức hại? Vì sao học viên phải phản bức hại, giảng rõ sự thật? Vì sao nói sự thật thì cứu được người? Tôi phát hiện ra rằng bản thân mình không thể nào giảng thanh chân tướng, nếu như tự bản thân mình lười tìm hiểu và chưa minh bạch chân tướng!

Một ngày kia, trong lúc tự học Pháp bằng bản tiếng Hoa, khi đọc đến câu “Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn đo lường người tốt và xấu”. Tôi phát hiện ra rằng ở giữa chữ “chân” 真 là một chữ “mục” 目 tức con mắt. Tôi ngộ ra rằng “Chân” 真 không chỉ có nghĩa là chân thật đối lập với “giả” 假, mà còn ẩn trong đó cả sự thấy biết, thấu triệt. Sự “bất chân” trong trường hợp của tôi không phải là vì tôi đã giả dối, mà là vì tôi đã không vận dụng trí tuệ mà Đại Pháp ban cho để nhìn nhận sự việc. Sư Phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ sáu – Tự tâm sinh ma:

Tất cả những gì ở trong trường không gian của chư vị, đều nghe theo ý thức đại não của chư vị chi phối, cũng chính là nói, chư vị dùng Thiên Mục để nhìn, không động niệm tĩnh lặng mà nhìn là chân thực, chỉ cần hơi động niệm, cái nhìn thấy đều là giả, đây chính là tự tâm sinh ma, cũng gọi là tùy tâm nhi hóa.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp không phải ai cũng nhìn được bằng thiên mục, tuy nhiên trí tuệ mà Đại Pháp ban cho chúng ta còn quý giá hơn bội phần. Chính sự dễ dãi trong nhận thức, tâm cầu an nhàn, thích sự bình an, ngại va chạm đã khiến cách nhìn nhận của chúng ta chỉ muốn thấy những gì mình thích nên khi gặp một số mâu thuẫn và sư việc phức tạp thì không chịu động não hay chủ động giải quyết mà chỉ “hướng nội” và đợi “Sư Phụ an bài”. Trong thực tế, có không ít học viên Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc bức hại và những hoạt động của học viên ở nước ngoài, tuy nhiên khi ở địa phương mình bị can nhiễu, họ ít khi trực tiếp đứng ra duy hộ môi trường tu luyện mà chỉ khuyên người khác nên “hướng nội”, “tu luyện bản thân”, chỉ cần “phát chính niệm” và “mọi việc đã có Sư Phụ an bài”.  

“Hướng nội” không phải là hành động đấm ngực xưng tội, đó thực chất là một quá trình soi xét vấn đề từ trong ra ngoài bằng trí tuệ mà Đại Pháp ban cho chúng ta. Còn sự “an bài” của Sư Phụ, theo tôi thể ngộ cũng giống như những bài học và bài thi mà mỗi người chúng ta phải tự mình vượt qua, khi chúng ta nói “mọi việc đã có Sư Phụ an bài” là chúng ta đang thể hiện tín tâm kiên định vào Đại Pháp, hay chỉ là đang mong đợi Sư Phụ sẽ làm hết mọi việc mà đáng lẽ ra chính chúng ta phải làm? Khi chúng ta nói rằng mình phải “kiên định”, “hướng nội” có phải rằng chúng ta thực sự hướng nội bằng trí tuệ hay đang tự đánh lừa mình và trốn tránh vấn đề?

Sức mạnh của chính niệm bắt nguồn từ chính kiến và chính tín

Trong thực tế, khi môi trường bị can nhiễu, có nhiều học viên khi phát chính niệm khởi được tác dụng rất lớn, nhưng cũng có nhiều học viên không khởi được tác dụng của chính niệm. Tôi nghĩ rằng, sức mạnh của chính niệm đầu tiên phải bắt đầu từ chính kiếnchính tín. Sư Phụ đã giảng trong Tinh tấn yếu chỉ II:

Điểm chốt là có tâm chấp trước, nếu không, không phải chịu đựng một cách tiêu cực, [mà trái lại] thời khắc nào cũng dùng chính niệm mà đối mặt kẻ ác. Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác. [Nếu] mọi người đều làm như thế, [thì] hoàn cảnh đã không đến thế này. (Chính niệm của Đệ tử Đại Pháp là có uy lực)

Bất luận tầng thứ của mỗi người có cao thấp thế nào, chúng ta cũng phải thực sự nhìn nhận sự việc bằng chính kiến của bản thân mình, dựa trên tiêu chuẩn của Pháp. Lúc đó, cho dù chúng ta không ngồi bất động lập chưởng, nhưng uy lực của chính niệm vẫn biểu hiện trong từng lời nói, việc làm của chúng ta. Điều này đều có quan hệ mật thiết đến nội hàm của chữ “chân”. “Chân” của người tu luyện không phải là cái biểu hiện ngây ngô không trí tuệ, người khác bảo sao thì liền nghe vậy,  mà “chân” lúc nào cũng phải  “chính”.

Đó là một vài thiển ngộ của cá nhân tôi, hi vọng nó sẽ giúp ích một chút gì đó cho sự đề cao chung, cảm ơn mọi người đã lắng nghe, nếu có điều gì thiếu sót, kính mong mọi người chỉ rõ!

Chia sẻ của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Sài Gòn

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s