Bà Hoàng Thị Cảnh, nguyên đơn trong vụ việc:
“Tôi là một nhân viên của trường mầm non Hòa Chung, thành phố Cao Bằng và tôi cũng là một người tập luyện Pháp Luân Công – một môn khí công tu dưỡng sức khỏe và tinh thần xuất phát từ Trung Quốc và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì đây là một môn khí công rất tốt cho sức khỏe và đã thay đổi thế giới nhân sinh của hàng trăm triệu con người khi giúp họ trở thành những người tốt hơn trong xã hội qua việc thực hành lối sống lành mạnh theo Chân – Thiện – Nhẫn hàng ngày, tôi luôn có thiện chí giới thiệu Pháp Luân Công đến những người xung quanh mình vì tôi mong muốn họ cũng sẽ được hưởng những điều tốt đẹp cho sức khỏe thể chất và tinh thần như tôi và nhiều con người khác. Do đó, tôi đã chia sẻ những lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công đến một số trẻ em tại nơi tôi công tác làm việc bằng cách tặng cho các em nhỏ tấm thẻ có ghi nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn với mong muốn các em có thể nhớ giá trị sống tốt đẹp này để hành xử tốt đẹp trong trường học cũng như ở nhà với những người xung quanh mình. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, Hiệu trưởng Nhà trường là cô Vũ Thị Hằng đã phản đối việc tôi chia sẻ giá trị Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công đến các em học sinh và cô đã ban hành một Nội quy trường học có nội dung thể hiện sự phân biệt đối xử, kỳ thị người tập luyện Pháp Luân Công. Bản thân tôi là nạn nhân của sự phân biệt đối xử xuất phát từ Nội quy này.
Tôi nhận thấy Nội quy trên có nội dung trái với pháp luật và chủ trương của Nhà nước Việt Nam, phản lại cái chân của giá trị nhận thức và cái thiện của giá trị giáo dục học đường. Hơn nữa, những quan điểm cá nhân của cô Vũ Thị Hằng về Pháp Luân Công ở vị trí lãnh đạo Trường thể hiện trong Nội quy trên là một vấn đề hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước ta và hình ảnh của một nhà giáo. Do đó, tôi quyết định gửi Đơn Phản ánh kèm theo Thư ngỏ này đến quý lãnh đạo cơ quan chức năng, tổ chức, ban ngành với hy vọng rằng quý vị sẽ dành thời gian để xem qua, nghiên cứu các nội dung phản ánh trong Đơn của tôi. Ở vị trí là một công dân, tôi mong rằng quý lãnh đạo sẽ có những đề xuất tích cực, ý kiến công tâm liên quan đến những đề nghị trong Đơn của tôi đến các cấp lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.
Tôi trân trọng kính chào và chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian cho Đơn Phản ánh của tôi“.
Được biết, bà Hoàng Thị Cảnh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng và nhận được phản hồi về việc giải quyết vụ việc. Được sự cho phép của bà về việc chia sẻ thông tin, Thiên Thảo’s Blog đăng lại toàn bộ nội dung vụ việc theo nguyên văn từ Đơn của bà, riêng phần thông tin cá nhân của nguyên đơn trong phạm vi bài đăng này đã được tôi lược bớt so với đơn thư gốc để đảm bảo quyền bí mật đời tư của công dân.
Kính mới quý vị theo dõi và chia sẻ!
Cao Bằng, ngày 24 tháng 06 năm 2022
ĐƠN PHẢN ÁNH
(V/v: Cô Vũ Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Chung – ban hành Nội quy có nội dung kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng chức vụ nghề nghiệp tuyên truyền trái chủ trương của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công)
Tôi tên: Hoàng Thị Cảnh
Sinh ngày: 1970
NỘI DUNG
Tôi là một nhân viên của trường mầm non Hòa Chung, thành phố Cao Bằng. Vào khoảng tháng 6 năm 2021, tôi có tặng thẻ bình an cho một số em học sinh tại trường mầm non Hòa Chung. Trên thẻ có ghi thông tin của môn khí công Pháp Luân Công. Tôi tặng tấm thẻ này với ý nguyện là mong các em sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và làm một người tốt. Sau đó không lâu, cô Vũ Thị Hằng – Hiệu trưởng trường mầm non Hòa Chung – mời tôi lên làm việc và yêu cầu tôi không được tuyên truyền Pháp Luân Công trong nhà trường.
Qua buổi làm việc, tôi biết cô Hằng là người quyết định ban hành nội quy Trường Mầm Non Hòa Chung. Trong đó, trong phần II. ĐỐI VỚI CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN, tại mục 6 có ghi:
“Không tham gia tập luyện Pháp Luân Công và lôi kéo người khác tham gia tập luyện Pháp Luân Công. Không tuyên truyền Pháp Luân Công bằng bất cứ hình thức nào”.
Nhận thấy nội dung này là vô lý và không đúng với quy định của pháp luật nên tôi đã đến Văn phòng gặp trực tiếp cô Hiệu trưởng để hỏi rõ sự tình thì được cô cho biết rằng sau khi tôi tặng cho một em nhỏ tấm thẻ có thông tin Pháp Luân Công thì cha mẹ em đã phản ánh lên Công an thành phố Cao Bằng và Công an có gửi công văn xuống cho nhà trường. Tôi có nhấn mạnh cho cô Hằng biết là nội quy do cô đề ra là không đúng với quy định của pháp luật thì cô Hằng nói nội quy này đã được cấp trên duyệt và đây là chỉ đạo của Phòng Giáo dục và UBND thành phố Cao Bằng. Cô Hằng còn tuyên bố rằng Phòng Giáo dục và Ủy ban Nhân dân thành phố, Công an thành phố và Công an tỉnh đều thống nhất quyết định này của cô. Cô Hằng còn nói thêm với tôi rằng không chỉ mỗi riêng trường mầm non Hòa Chung mà tất cả các trường thuộc tỉnh Cao Bằng cũng có quy định không cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tập luyện và tuyên truyền Pháp Luân Công.
Sau khi tìm hiểu thông tin và nhờ luật sư tư vấn pháp lý, tôi được biết là nội quy do cô Hằng ban hành là trái với chủ trương và chính sách pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ giữa các thành phần xã hội và có dấu hiệu lạm quyền. Tôi sẽ lần lượt phân tích và làm rõ như sau:
Thứ nhất, cô Vũ Thị Hằng ban hành Nội quy thể hiện sự phân biệt đối xử, trái đạo đức nhà giáo, trái chủ trương của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công.
Trước hết, tôi thấy cô Vũ Thị Hằng có thể đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nhầm lẫn đường lối chủ trương của chính quyền Trung Quốc với Nhà nước Việt Nam, nên cô đã ban hành một nội quy có tính chất phân biệt đối xử, đầy sự kỳ thị và trái với đạo đức nhà giáo, với chủ trương của Nhà nước Việt Nam đối với môn khí công này. Do đó, tôi cần phải nói qua chủ trương của Nhà nước đối với môn khí công này, qua đó làm rõ nội quy mà cô Hiệu trưởng ban hành là trái với đạo đức nhà giáo và phản lại lập trường của Nhà nước Việt Nam.
Trước hết, cần phải hiểu đúng rằng Pháp Luân Công chỉ là tên gọi của một môn khí công rèn luyện sức khỏe và nâng cao đạo đức, với các bài giảng đạo đức trọng tâm theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn là nền tảng và hệ thống 5 bài tập khí công phụ trợ được truyền ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992 và sau đó được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Pháp Luân Công không phải là một tổ chức [A]. Tại Việt Nam, không có bất cứ tổ chức nào có tên là Pháp Luân Công hay bất kỳ tổ chức nào dưới danh nghĩa đại diện cho người tập luyện Pháp Luân Công. Những người tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam không có nhu cầu thành lập tổ chức. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tuyên bố cấp chính phủ vào năm 2009 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cụ thể tôi dẫn tin tức từ Báo Sài Gòn Giải Phóng – cơ quan của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: “Ngày 9-4, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến bài viết gần đây trên BBC về Pháp Luân công ở Việt Nam, Việt Nam có chính sách chống lại hoạt động này không, liệu Trung Quốc có gây sức ép đối với Việt Nam trong việc cấm Pháp Luân công hoạt động, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: “Hiện tại ở Việt Nam không có Pháp Luân công. Hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam” [1]. Phát ngôn này của cấp chính phủ được xem là lập trường chính thức của Nhà nước Việt Nam, chủ trương này đến nay vẫn chưa bị thay thế nên dĩ nhiên vẫn còn nguyên giá trị áp dụng.
Xét trên phương diện quản lý nhà nước, câu nói “Việt Nam không có Pháp Luân Công” của ông Lê Dũng có nghĩa là ở Việt Nam không có một tổ chức nào tên là Pháp Luân Công và hoàn toàn phù hợp với thực tế tại Việt Nam, bởi người tập Pháp Luân Công chưa bao giờ đăng ký pháp nhân cho Pháp Luân Công nên không tồn tại khái niệm tổ chức dù là được công nhận hay không được công nhận đối với Pháp Luân Công. Tại các công viên, người dân tập luyện Pháp Luân Công theo các nhóm nhỏ, không có hình thức tổ chức, không bị thu tiền, người tập không chịu sự ràng buộc, quản lý của bất kỳ ai, thích thì đến tập, không thích thì có thể nghỉ tập bất cứ lúc nào. Người tập Pháp Luân Công cũng như những người dân bình thường khác trong xã hội, họ cũng có công việc và gia đình, ngoài thời gian làm việc, học tập thì họ có sở thích chung là tập luyện Pháp Luân Công để rèn luyện sức khỏe và nâng cao đạo đức. Cần phải làm rõ rằng trong xã hội, người tập Pháp Luân Công trực thuộc vô số tổ chức khác nhau, ví dụ như các doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, các tổ chức xã hội… nhưng không có tổ chức nào đại diện hoặc đủ tư cách đại diện cho người tập Pháp Luân Công. Trên thực tế không tồn tại tổ chức “Pháp Luân Công”, bao gồm cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam. Do đó, bất cứ tổ chức nào tự nhận mình là “tổ chức Pháp Luân Công” đều là bất hợp pháp và không đúng tôn chỉ của người tập Pháp Luân Công và chỉ là mạo danh. Việc xử lý các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật hay mạo danh là việc làm của các cơ quan chức năng theo luật định và hoàn toàn không có liên hệ gì đến môn tập khí công Pháp Luân Công. Sự thật, Pháp Luân Công chỉ là tên gọi của một bộ môn khí công được nhiều người yêu thích trên thế giới, không có tổ chức, phi tôn giáo và phi chính trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những cán bộ không nắm rõ chủ trương của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công và cũng chưa bao giờ thật sự tìm hiểu môn khí công này một cách nghiêm túc. Nguyên nhân là có thể họ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc nên đã quy chụp “Pháp Luân Công” là một tổ chức, nên có lẽ đã khiến một số nơi nhầm lẫn trong việc hiểu đúng về môn tập Pháp Luân Công, người tập Pháp Luân Công và các tổ chức trong đó có người tập Pháp Luân Công tham gia.
Phát ngôn của đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã thể hiện rằng chủ trương của Nhà nước Việt Nam là không có chính sách chống lại Pháp Luân Công và Việt Nam cũng không chịu sức ép của Trung Quốc mà cấm Pháp Luân Công. Hoạt động tập luyện Pháp Luân Công là hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam. Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm người dân tập luyện hoặc chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công. Do đó, trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục Đào tạo là cơ quan quản lý đầu ngành cũng không có văn bản nào chỉ đạo những người làm việc trong ngành giáo dục không được tập luyện hay chia sẻ thông tin về môn khí công Pháp Luân Công. Hay nói cách khác, Bộ Giáo dục Đào tạo không hạn chế quyền rèn luyện sức khỏe và chia sẻ thông tin của những người làm việc trong ngành giáo dục miễn là trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia. Đồng thời, theo lời của nguyên Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam vào năm 2014: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.” [2]. Vì Nhà nước không cấm tập luyện hay chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công nên mặc nhiên là việc tôi tập luyện và chia sẻ thông tin về môn khí công này là hoàn toàn không trái pháp luật dù cho là ở bên trong hay bên ngoài trường học.
Trên đây, tôi đã chỉ rõ chủ trương của Nhà nước Việt Nam là không có chính sách chống lại hay cấm Pháp Luân Công, mà xem Pháp Luân Công là một hoạt động rèn luyện sức khỏe và tôn trọng hoạt động đó miễn là trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan lãnh đạo ngành giáo dục hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước thì hiển nhiên cũng không thể ban hành văn bản nào có nội dung hạn chế quyền tự do rèn luyện sức khỏe và chia sẻ thông tin liên quan đến Pháp Luân Công đối với những người công tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cô Vũ Thị Hằng, ở vị trí là người đứng đầu Trường mầm non Hòa Chung, đã lợi dụng quyền hạn của mình để ban hành một Nội quy có nội dung kỳ thị Pháp Luân Công, phân biệt đối xử khi bắt buộc tất cả những ai là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường không được tập luyện, giới thiệu, tuyên truyền Pháp Luân Công dưới mọi hình thức. Hành động này trái với lập trường của Nhà nước Việt Nam vì vốn dĩ từ trước đến nay, pháp luật quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước luôn thể hiện sự tôn trọng quyền rèn luyện sức khỏe của công dân. Không thể nhìn nhận rằng vì cô Hằng là Hiệu trưởng nên cô được quyền làm những gì cô thích, cô muốn bất chấp pháp luật nước nhà, bởi là viên chức, cô chỉ được làm những gì pháp luật cho phép trong quyền hạn của một Hiệu trưởng. Do đó, việc cô lợi dụng chức vụ hiệu trưởng để ban hành nội quy bắt buộc cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường không được tập luyện, giới thiệu, tuyên truyền Pháp Luân Công dưới mọi hình thức là trái với chủ trương “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Sự phân biệt đối xử của cô Hằng thể hiện ở việc cô dùng quyền lực của mình để áp đặt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường có thể tham gia tập luyện và chia sẻ thông tin bộ môn nào cũng được nhưng riêng Pháp Luân Công thì không được, nếu ai làm trái ý cô thì bị coi là vi phạm nội quy của trường và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc xét thi đua khen thưởng và quyền lợi của nhân viên. Hiện tại, bản thân tôi là nhân viên của Trường mầm non Hòa Chung, việc tôi tập luyện Pháp Luân Công vốn không vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định của ngành giáo dục nhưng từ khi Nội quy được cô Hằng ban hành, thì tôi lại trở thành một nhân viên vi phạm nội quy và tôi đã bị kỳ thị, bằng chứng là hết lần này đến lần khác khi tôi khiếu nại về tính bất hợp pháp của bản Nội quy thì cô Hằng đã dùng quyền hành của mình để áp đặt ý chí của cô lên tôi và có ý định sẽ đuổi việc tôi. Tôi là nạn nhân trực tiếp của việc bị cô Hằng phân biệt đối xử và việc tôi bị xem là vi phạm nội quy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi khi xét thi đua khen thưởng. Thực tế, tôi đã bị xét thi đua loại B vào tháng 11/2021 chỉ vì tôi tập Pháp Luân Công và tặng thẻ bình an có thông điệp Chân – Thiện – Nhẫn cho các em nhỏ.
Đồng thời, tôi nhận thấy rằng cô Hằng đã lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền trái chủ trương của Nhà nước, điều này thể hiện ở việc Nhà nước không những không cấm Pháp Luân Công mà còn tôn trọng mọi hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân – trong đó bao gồm hoạt động tập luyện Pháp Luân Công, thì cô Hằng lại ngang nhiên ban hành nội quy cấm Pháp Luân Công thông qua quy định trong bảng nội quy: cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường không được tập luyện, giới thiệu, tuyên truyền Pháp Luân Công dưới mọi hình thức. Hành vi của cô Hằng gây ra sự chia rẽ giữa những người không tập Pháp Luân Công và người tập Pháp Luân Công trong trường mà tôi chính là nạn nhân trực tiếp. Bằng chứng là tôi đã bị cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường xét thi đua loại B như đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, việc cô Vũ Thị Hằng dùng quyền hạn Hiệu trưởng để ban hành, phổ biến một Nội quy có nội dung trái với chủ trương của Nhà nước về Pháp Luân Công là hành vi trái quy định về đạo đức nhà giáo được quy định tại Điều 6 – Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo, Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về đạo đức nhà giáo, theo đó yêu cầu những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục “không làm mất đoàn kết trong tập thể” và “không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Nhà nước”. Trong khi chủ trương của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công là tôn trọng quyền rèn luyện sức khỏe của người dân, thì việc cô Hằng ban hành nội quy trái với quan điểm của Nhà nước đã khiến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường xét thi đua loại B đối với tôi và nó là minh chứng cho thấy cô Hằng đã làm mất đoàn kết trong tập thể, bởi họ nghĩ tôi không đủ tốt trên cơ sở là nội quy đầy định kiến đó nên họ mới xét thi đua cho tôi loại B.
Xét về lý, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường mầm non chỉ làm việc dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của cô Vũ Thị Hằng và quy định của ngành giáo dục, chứ không thể chịu sự can thiệp dài tay của Hiệu trưởng đối với các quyền cơ bản của công dân. Dù ở vị trí nào trong bất cứ ngành nào, người dân đều có quyền tự do của bản thân trong việc lựa chọn cho mình một môn tập để nâng cao sức khỏe, nâng cao đạo đức và ai cũng có quyền bày tỏ niềm tin, quan điểm của mình về các vấn đề khác nhau trong xã hội, miễn là trên cơ sở tuân thủ luật pháp và tôn trọng quyền tự do của người khác. Việc cô Vũ Thị Hằng dùng vị trí người đứng đầu nhà trường để tự cho mình cái quyền áp đặt ý chí cá nhân lên toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường mầm non Hòa Chung khi ban hành Nội quy không cho giáo viên, nhân viên tập luyện, chia sẻ thông tin về môn khí công Pháp Luân Công dưới mọi hình thức trong khi Nhà nước và ngành giáo dục không có chủ trương này, đã thể hiện cô đã kỳ thị, phân biệt đối xử, trái đạo đức nhà giáo và nghiêm trọng hơn là trái chủ trương của Nhà nước trong vấn đề Pháp Luân Công.
Thứ hai, cô Hằng thể hiện sự hạn chế về kiến thức xã hội, đi ngược lại với văn minh và có thể đã chịu sự ảnh hưởng từ chiến dịch tuyên truyền dối trá từ cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngoài việc cô Vũ Thị Hằng có hành động tuyên truyền trái chủ trương của Nhà nước, trái đạo đức nhà giáo, tôi còn nhận thấy rằng cô Hằng cũng là người không nắm bắt thông tin thực tế về bộ môn khí công Pháp Luân Công, có thái độ làm việc tùy tiện, muốn gì làm nấy. Thông qua những hành động và lời nói của cô Hằng, tôi tin chắc rằng cô chưa bao giờ tìm hiểu môn khí công Pháp Luân Công. Nếu cô Hằng đã có tìm hiểu thông tin về bộ môn khí công này thì cô sẽ biết rằng, Pháp Luân Công là một bộ môn khí công từng rất phổ biến tại Trung Quốc và hiện được rất nhiều người dân và chính phủ trên thế giới nồng nhiệt đón nhận và hoan nghênh vì những giá trị tinh thần và sức khỏe mà bộ môn này đã mang đến cho cộng đồng [3].
Trong phần dưới đây, tôi sẽ nói một cách khái quát về môn khí công Pháp Luân Công để quý cơ quan có cái nhìn cơ bản về bộ môn này, qua đó cho thấy cô Hằng trước khi ban hành nội quy bài trừ Pháp Luân Công đã không chịu tìm hiểu môn khí công này một cách nghiêm túc mà có thể chỉ nghe theo những tuyên truyền giả dối có nguồn gốc từ hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cụ thể, Pháp Luân Công hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một bộ môn khí công được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc và sau đó đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Trung Quốc vì mang lại lợi ích sức khỏe kỳ diệu và nâng cao giá trị đạo đức, tinh thần cho con người theo nguyên lý cốt lõi Chân – Thiện – Nhẫn. Sau đó, bộ môn đã nhận được những giải thưởng danh giá của các tổ chức chuyên môn về khí công lẫn các cơ quan nhà nước Trung Quốc. Tính đến năm 1999, theo một thống kê của chính quyền Trung Quốc, có trên 70 triệu người theo tập Pháp Luân Công và con số này được báo chí quốc tế đưa tin, điều này đã làm Pháp Luân Công trở thành bộ môn khí công được nhiều người tập luyện nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Đến tháng 7/1999, sau một vài sự kiện xảy ra, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Kể từ đó cho đến nay, cuộc đàn áp này được xem là khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc, đã làm đảo lộn cuộc sống của khoảng trên 1/10 dân số Trung Quốc. Nó còn là một lời nhắc nhở rõ ràng về tình trạng của Trung Quốc ngày nay, một đất nước bị tàn phá về mặt đạo đức bởi chiến dịch đàn áp khốc liệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên chính người dân trong hơn hai thập kỷ qua. Nhiều người đã phải bỏ nhà ra đi, bị buộc phải nghỉ việc, bị cưỡng bức vào các trại cải tạo và tâm thần, bị cưỡng bức lao động, đánh đập, tra tấn đến chết, phụ nữ bị hãm hiếp,… đó là hậu quả của chính sách “Bôi nhọ thanh danh, Vắt kiệt tài chính và Hủy hoại thân thể” của Giang Trạch Dân trong chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Đến nay, đã có hàng ngàn trường hợp được xác nhận là tử vong theo số liệu cập nhật trên trang web Minh Huệ, trang chuyên tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ngoài tờ Washington Post – một trong những tờ báo lớn nhất của Mỹ – đưa tin về chiến dịch tuyên truyền dối trá do ĐCSTQ phát động để hợp pháp hóa và che đậy cuộc đàn áp tàn ác nhắm vào người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc, Báo PetroTimes tại Việt Nam cũng đã nhắc đến chiến dịch này qua loạt bài báo Lý Đông Sinh – Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc “Sập bẫy” [B]. Trong đó có đoạn viết như sau:
- “Lý Đông Sinh để tạo ra một môi trường thù địch chống lại các học viên Pháp Luân Công trong khi thực thi bắt bớ, giam cầm, và các hình thức ngược đãi khác.”
- “Để củng cố sự ủng hộ cho cuộc bức hại, truyền hình CCTV đã chiếu một cảnh tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23-01-2001 và đổ trách nhiệm cho Pháp Luân Công. Nhiều người Trung Quốc đã bị lừa dối bởi những lời dối trá này và trở nên thù địch với các học viên Pháp Luân Công.”
- Ngoài việc hạn chế về thể chất, Lãnh đạo Phòng 610 đã ra lệnh tẩy não các học viên Pháp Luân Công. Do đó, một số lượng lớn các trung tâm tẩy não đã được thiết lập để giam giữ các học viên, với một số bị bắt tại nhà hoặc cơ quan, một số khác thì bị chuyển từ nhà tù hoặc các trại lao động cưỡng bức sang các trung tâm tẩy não sau khi hết hạn giam cầm. Chương trình CCTV “Tiêu điểm”, được sản xuất trong nhiệm kỳ Lý Đông Sinh, nằm trong số các tài liệu tẩy não.
Thực chất, trên thế giới chỉ có ĐCSTQ là đi ngược lại với tinh thần văn minh của nhân loại khi chế độ này đã dùng rất nhiều thủ đoạn tàn ác đối với những người tập Pháp Luân Công tại Đại lục để ép buộc họ phải dừng tập Pháp Luân Công dưới mọi hình thức, mà đỉnh điểm là tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công với quy mô lớn để kiếm lời của chính quyền này và được xem là tội ác chống lại loài người lớn nhất của thế kỷ 21 [C]. Cho đến nay, ĐCSTQ ngoài việc bị các chính phủ, các chính khách các nước lên án, yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp này, thì Tòa án Nhân dân Độc lập tại Anh (hay còn gọi là Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal)) vào năm 2019 đã nhất trí kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến tù nhân lương tâm vô tội, trong đó phần lớn là các học viên Pháp Luân Công, thành nguồn cưỡng bức thu hoạch nội tạng để phục vụ cho ngành công nghiệp kinh doanh cấy ghép tạng do Nhà nước bảo trợ [4].
Tại Việt Nam, một số cá nhân uy tín trong lĩnh vực khoa học và y khoa cũng đã từng đề cập về lợi ích của Pháp Luân Công đối với sức khỏe con người. Ví dụ đầu tiên, Báo Nông Nghiệp Việt Nam vào năm 2012 có đăng bài “Tìm hiểu về Pháp Luân Công”, trong đó có dẫn câu trả lời của ông Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng khi ông được bạn đọc hỏi về lợi ích sức khỏe của việc tập luyện Pháp Luân Công, cụ thể như sau “Một cuộc nghiên cứu qui mô được thực hiện vào tháng 10/1998 bởi đoàn chuyên viên y tế tại Bắc Kinh. Bài trắc nghiệm được phân phát trên 200 địa điểm tại 5 quận tại Bắc Kinh. Kết quả dựa trên 12.731 bài trắc nghiệm cho thấy có đến 99,1% người tập đang trên đường phục hồi sức khỏe, trong số này có 58,5% hoàn toàn được bình phục bởi tập Pháp Luân Công, 80,3% được cải tiến về sức khỏe cơ thể và 96,5% được cải tiến về sức khỏe tâm thần. Cuộc nghiên cứu cho biết những người tập Pháp Luân Công có được sự cải thiện lớn đối với sức khỏe” [5]. Một ví dụ khác, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Thái – nguyên Trưởng khoa Tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện hồi phục sức khỏe từ căn bệnh suy tim và thấp khớp nhờ tập luyện Pháp Luân Công của cô Thái đã được Báo Khoa học và Đời sống – một tờ báo về ngành khoa học – phát hành số 85 ngày 15/7/2016 có tiêu đề “Luyện Pháp Luân Công, bác sĩ tim vượt “cửa tử”” [D], [6]
Ngoài việc giúp con người cải thiện sức khỏe, Pháp Luân Công còn giúp nâng cao giá trị đạo đức, hướng con người đến những điều tốt đẹp và rời xa cái xấu như: biết nghĩ đến người khác mỗi khi hành động, luôn có trách nhiệm trong cuộc sống, không đặt điều, vu khống cho người khác, không gieo rắc bất hòa và gây chia rẽ… những giá trị tinh thần này cũng tương tự với truyền thống mà ông cha ta đã lưu truyền từ hàng ngàn năm nay, nó cũng chính là văn minh tinh thần của nhân loại. Tại Ấn Độ, Pháp Luân Công đã được phổ biến rộng rãi trong các trường học, các giáo viên và ngay cả các thầy cô Hiệu trưởng của các trường học cũng đã tập luyện và phổ biến bộ môn này cho các em nhỏ sau khi chính họ đích thân thực hành và thu được lợi ích từ Pháp Luân Công. “Luận ngữ” của sách Chuyển Pháp Luân – quyển sách chính của Pháp Luân Công – được đưa vào sách giáo khoa Anh ngữ của một trường tiểu học tại Ấn Độ [7].
Trong khi hầu như cả thế giới văn minh tiến bộ ủng hộ và ghi nhận sự đóng góp của Pháp Luân Công cho cộng đồng, ngày càng lên án gay gắt tội ác bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam chọn đứng bên ngoài cuộc đàn áp, không để Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng để chuyển dời áp lực, đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế đối với tội ác đang xảy ra tại Trung Quốc, thì cô Hằng trong vai trò là người đứng đầu Trường mầm non Hòa Chung lại nhẹ dạ cả tin mà nghe theo lời xúi giục của những cá nhân nào đó mà cô nghĩ rằng họ là đại diện của cơ quan nhà nước như Phòng Giáo dục, Uỷ ban nhân dân thành phố, Công an thành phố, Công an tỉnh nên đã hành động thiếu lý trí, thể hiện năng lực yếu kém trong hoạt động nghề nghiệp và nhận thức pháp luật khi ban hành một nội quy đầy sự định kiến, gây chia rẽ nội bộ, trái với đạo đức nhà giáo và chủ trương của Nhà nước về Pháp Luân Công. Nếu quả thật là có chỉ đạo của các cơ quan nhà nước nói trên như lời cô Hằng tuyên bố với tôi, thì nó sẽ phải thể hiện qua các văn bản quản lý nhà nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật và ắt hẳn phải có rất nhiều trường học lớn nhỏ trên toàn tỉnh Cao Bằng ban hành nội quy giống cô Hằng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, tôi thấy rằng cô Hằng có thể đã bị lợi dụng bởi một nhóm lợi ích đen tối nào đó muốn chống lại chủ trương của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công để các thế lực đối lập chỉ trích Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, bởi thực tế tôi đã đi tìm hiểu tại nhiều trường thì không có trường nào ban hành nội quy bài trừ Pháp Luân Công như cô Hằng đã nói.
Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng việc tôi tặng cho các em nhỏ những tấm thẻ đính kèm thông điệp về Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công là một hành động tốt, xuất phát từ ý muốn mang lại lợi ích cho các em nhỏ, giúp các em gieo trồng những hạt giống tâm hồn tốt đẹp, sống có ích cho đời theo giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn và hành động này đáng nên phải được tôn trọng, khuyến khích. Tuy nhiên, tôi không hiểu rõ vì sao ở vị trí là người đứng đầu ngành giáo dục tại trường, đáng lẽ cô Hằng càng phải có trách nhiệm vun đắp những giá trị nhân văn đến các em nhỏ theo tinh thần “Vì lợi ích trăm năm trồng người” nhưng đằng này cô lại có hành động phản cảm khi hạ thấp giá trị Chân – Thiện – Nhẫn qua việc bài xích một bộ môn khí công đã mang lại lợi ích sức khỏe và cải biến con đường nhân sinh của hàng trăm triệu người trên thế giới là Pháp Luân Công. Thiết nghĩ, ở vị trí là cán bộ Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Chung, được mọi người tín nhiệm, cô Hằng nên phải cẩn trọng với những hành động của mình. Bởi lẽ, vì chỉ cần cô có những hành động lệch lạc thì sẽ gây tác động xấu đến rất nhiều giáo viên đang công tác tại trường và nhất là tác động tiêu cực đến các bậc phụ huynh học sinh, qua đó có nguy cơ phụ huynh làm cho con em mình sẽ nhận thức lệch lạc về Pháp Luân Công – vốn là một bộ môn khí công đề cao giá trị đạo đức truyền thống, gieo trồng những điều thiện lương cho con người. Nguy hại hơn là nó cũng có thể khiến cho các em nhỏ trong vô thức mà dần hình thành những suy nghĩ tiêu cực, khiến các em nghĩ xấu về những người tập luyện Pháp Luân Công, cổ súy cho cuộc đàn áp vô nhân tính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm hư hỏng hạt giống thiện lương trong tâm hồn của các em nhỏ.
Như vậy, hành động ban hành nội quy trái pháp luật của cô Hằng đã gây ra hậu quả là gây chia rẽ giữa những người không tập Pháp Luân Công trong trường và tôi, khiến cho tôi bị xét thi đua loại B ảnh hưởng đến thi đua khen thưởng, tôi bị cả trường kỳ thị, phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cô Hằng vẫn cứ cố chấp cho rằng hành động của mình là đúng, nhưng thực tế không có một văn bản nào của các cấp chính quyền địa phương cũng như từ các cơ quan trong ngành giáo dục không cho cán bộ và giáo viên nhân viên tham gia tập luyện Pháp Luân Công hay chia sẻ thông tin về bộ môn khí công này. Tôi cho rằng, rất có khả năng cô Hằng đã bị mật vụ Phòng 610 Trung Quốc lợi dụng cho mục đích xóa sổ Pháp Luân Công và hành động của cô đã rơi vào cái bẫy “dùng người Việt trị người Việt” mà kẻ ngư ông đắc lợi là Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ hành động của cô không mang lại lợi ích gì cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà ở đây là cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường, trong đó tôi chính là nạn nhân của cô. Nếu tôi không tỉnh táo mà nghe theo những lời nói mang tính kích động của cô Hằng nào là Phòng giáo dục, UBND thành phố, Công an thành phố, Công an tỉnh nhất trí với bản nội quy bài trừ Pháp Luân Công của cô thì có khả năng tôi đã cũng rơi vào cái bẫy “dùng người Việt trị người Việt” từ đó Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành công trong việc chuyển dời áp lực ra khỏi Trung Quốc để tránh sự chú ý của quốc tế về tội ác bức hại đẫm máu đối với Pháp Luân Công tại Trung Quốc kéo dài ròng rã suốt hơn 20 năm qua.
Qua Đơn Phản ánh này, tôi yêu cầu các ban ngành và cơ quan chức năng một số nội dung như sau:
- Đề nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh nghiêm hành vi tùy tiện ban hành nội quy trái pháp luật của cô Vũ Thị Hằng, buộc cô Hằng hủy bỏ nội quy “Không tham gia tập luyện Pháp Luân Công và lôi kéo người khác tham gia tập luyện Pháp Luân Công. Không tuyên truyền Pháp Luân Công bằng bất cứ hình thức nào” trên bảng nội quy trường mầm non Hòa Chung.
- Đề nghị các cơ quan chức năng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chính sách Nhà nước cho cô Vũ Thị Hằng để cô công tác tốt hơn từ nay về sau, tránh trường hợp cô bị nhầm lẫn giữa chủ trương của Nhà nước Việt Nam với chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra mối nghi ngờ cô Hằng bị mật vụ Phòng 610 Trung Quốc lợi dụng để thực hiện chính sách xóa sổ Pháp Luân Công tại Cao Bằng, nhất là cô luôn miệng nói rằng Phòng Giáo dục, UBND thành phố, Công an thành phố, Công an tỉnh nhất trí với bản nội quy chống lại Pháp Luân Công của cô.
Nếu Đơn Phản ánh này không thuộc thẩm quyền xử lý của quý Cơ quan, tôi đề nghị quý Cơ quan chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét và trả lời cho tôi bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Trân trọng kính chào và cảm ơn!
Người phản ánh
Hoàng Thị Cảnh
TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM
- Phụ lục I: Pháp Luân Công không phải là một tổ chức
- Báo PetroTimes: Lý Đông Sinh – Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc “Sập bẫy” (phần 2 và phần 3)
- Sài Gòn giải phóng – Đầu tư Tài chính: Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc
- Báo Khoa học và Đời sống: Luyện Pháp Luân Công, bác sĩ tim vượt “cửa tử”
THÔNG TIN THAM KHẢO
[1]. Báo Sài Gòn giải phóng: Ở Việt Nam không có Pháp Luân công
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/plc-vietnam
[2]. Báo Chính phủ: Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/thongdiep2014
[3]. Minh Huệ Net: Toàn thế giới đều biết “Pháp Luân Đại Pháp là tốt”
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/thegioi-noitot
[4]. Video: Tòa án về Trung Quốc – Phán quyết cuối cùng (phụ đề tiếng Việt)
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/china-tribunal
[5]. Báo Nông Nghiệp Việt Nam: “Tìm hiểu về Pháp Luân Công”
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/timhieu-plc
[6]. Báo Khoa học và Đời sống: “Luyện Pháp Luân Công, bác sĩ tim vượt “cửa tử”
Xem tại đường liên kết: http://bit.ly/bs-thai
[7]. Giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp ở Ấn Độ, phần 1 (Ảnh)
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/plc-ando
Ấn Độ: Pháp Luân Đại Pháp được chào đón tại các trường học ở Bangalore
Xem tại đường liên kết: https://bit.ly/plc-ando-a
PHỤ LỤC GỬI KÈM ĐƠN
PHỤ LỤC I: PHÁP LUÂN CÔNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TỔ CHỨC
Xét về mặt bản chất, Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là tên gọi của một bộ môn khí công xuất phát tại Trung Quốc do Ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào năm 1992. Pháp Luân Công là một danh từ riêng chỉ tên gọi của một bộ môn khí công, chứ không phải là một hoạt động hay một tổ chức. Có nhiều phương pháp để rèn luyện sức khỏe như Yoga, Thái Cực Quyền, tập thể dục thể thao, tập dưỡng sinh hay luyện tập khí công. Riêng về các phương pháp khí công thì có nhiều bộ môn khác nhau, trong đó Pháp Luân Công là bộ môn phổ biến rộng rãi và được nhiều người tham gia tập luyện nhất trên thế giới nhờ tác dụng cải thiện sức khỏe và tinh thần đáng kể của bộ môn. Thông thường, người ta thường nói “tập luyện Pháp Luân Công là một hoạt động rèn luyện sức khỏe”, chứ không ai nói “Pháp Luân Công là một hoạt động”, bởi vì nó không những sai về mặt ngôn ngữ mà còn sai về bản chất.
Xét về mặt pháp lý, tư duy “Pháp Luân Công chưa được pháp luật cho phép nên không được tập luyện” là vô nghĩa. Chiểu theo tinh thần pháp quyền của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong vấn đề quản lý nhà nước, công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép trong khuôn khổ phạm vi quyền hạn được giao. Pháp luật của Việt Nam không cấm người dân học Pháp Luân Công hay tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Pháp Luân Công. Do đó, việc tập luyện, giới thiệu và quảng bá môn tập này là quyền hợp pháp của người dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia. Từ góc độ quản lý, Nhà nước Việt Nam chỉ quy định danh mục những thứ bị cấm và danh mục những thứ cần phải đăng ký xin phép, chứ Nhà nước không hề ban hành danh mục những thứ chưa cho phép hay bất kỳ văn bản nào quy định rằng người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và không được làm những gì pháp luật chưa cho phép. Bởi, thực tế thì những thứ chưa được pháp luật quy định thì tồn tại vô số trong xã hội (ví dụ như pháp luật không quy định về việc hít thở và thủ tục hít thở ở công viên), do đó Nhà nước đã không thể nào quy định danh mục những thứ chưa cho phép khi quản lý quốc gia trên các lĩnh vực. Nếu theo lối tư duy là cái gì pháp luật chưa cho phép thì người dân chưa được làm thì sẽ cản trở, hạn chế sự sáng tạo, đi ngược lại với quy luật phát triển của xã hội, bởi những cái mới được sáng tạo trong lịch sử thì trước đó chưa được ai cho phép. Nếu đợi pháp luật cho phép thì theo tư duy phản khoa học đó, xã hội sẽ không bao giờ có các phát minh, có sự tiến bộ và sẽ tụt hậu. Vậy thì, đối với Pháp Luân Công, thực tế không có bất kỳ văn bản pháp luật nào nói Pháp Luân Công chưa được Nhà nước cho phép hay công nhận. Nếu ai đó phát ngôn rằng Pháp Luân Công chưa được Nhà nước công nhận hay chưa được Nhà nước cho phép thì phát ngôn đó không dựa trên chủ trương của Nhà nước Việt Nam, mà nó chỉ là quan điểm cá nhân thể hiện sự thiếu nhận thức về pháp luật của cá nhân đó hoặc là lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để lừa dối họ nhằm phục vụ cho ý đồ riêng.
Như tôi đã đề cập ở trên, có nhiều bộ môn rèn luyện sức khỏe như các môn thể dục thể thao, thái cực quyền, dịch cân kinh, Yoga đang được nhiều người dân tập luyện để rèn luyện sức khỏe nhưng tuyệt đối không tồn tại khái niệm cho phép hay chưa cho phép đối với các bộ môn này. Tương tự như vậy, cũng không tồn tại khái niệm cho phép hay chưa chưa phép đối với một môn tập như Pháp Luân Công. Ở đây, cần làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm, một là việc đăng ký dưới hình thức tổ chức của những người theo tập những bộ môn nói trên để phục vụ cho các hoạt động thi đấu, biểu diễn, kinh doanh; hai là việc người dân tập luyện các bộ môn này thuần tuý để rèn luyện sức khỏe tự thân. Việc bản thân tập luyện môn gì và chia sẻ thông tin đó với ai là quyền tự do của mỗi công dân, nếu công dân không có nhu cầu thành lập tổ chức đại diện thì không cần phải đăng ký xin phép với bất kỳ cơ quan nào vì pháp luật không bắt buộc điều này.
Tại các quốc gia khác, các học viên Pháp Luân Công đã thành lập các tổ chức khác nhau nhằm thuận tiện và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của học viên tại nước sở tại, ví dụ như tại Đài Loan, các học viên có Hiệp Hội Pháp Luân Đại Pháp; tại khu vực các tiểu bang miền trung Hoa Kỳ, các học viên có Hiệp Hội Pháp Luân Đại Pháp miền trung Hoa Kỳ, … Các hội này là các tổ chức do các học viên Pháp Luân Công thành lập và có ảnh hưởng rất hạn cuộc trong địa phương của mình nhằm điều phối các hoạt động của họ tại địa phương. Chúng tôi được biết, không có tổ chức nào trong số các tổ chức này có ảnh hưởng đến hoạt động tại những địa phương hay quốc gia khác. Tuy trên thế giới các học viên Pháp Luân Công có thành lập các tổ chức khác nhau với các tên gọi khác nhau, không một tổ chức nào trong số ấy có tên gọi là “Pháp Luân Công”. Ngay cả tổ chức đầu tiên được thành lập tại Trung Quốc vào năm 1993 cũng không có tên gọi là “Pháp Luân Công”, tên gọi của tổ chức này là “Hiệp hội nghiên cứu Pháp Luân Công” nhưng Hiệp hội nghiên cứu Pháp Luân Công đã được hoàn tất thủ tục giải thể vào năm 1996, tức là gần 3 năm trước khi cuộc đàn áp đầy bạo lực và đẫm máu nhắm vào người dân lương thiện diễn ra vào ngày 20/07/1999. Tại Việt Nam hiện nay, chúng tôi được biết người tập Pháp Luân Công không có nhu cầu thành lập bất cứ một tổ chức nào như dạng các Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại các nước khác. Điều này xuất phát từ môi trường hiện tại của đất nước và nhu cầu thực tiễn của người tập Pháp Luân Công tại Việt Nam. Thực tế, do các hoạt động diễu hành, tổ chức mít-tinh phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc hay tổ chức trưng bày các tác phẩm về chủ đề tội ác mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là khó có thể được thực hiện tại Việt Nam, vậy nên người tập Pháp Luân Công không có nhu cầu thành lập một tổ chức để hỗ trợ thực hiện những công việc mô tả bên trên.
Việc định nghĩa “Pháp Luân Công là một hoạt động” và cho rằng “Pháp Luân Công chưa được pháp luật cho phép hay chưa được công nhận” không những thể hiện sự thiếu hiểu biết về bộ môn khí công Pháp Luân Công, không hiểu đầy đủ ngôn ngữ tiếng Việt mà còn thể hiện sự hạn chế về kiến thức pháp luật trong vấn đề quản lý nhà nước./.