Pháp Luân Công và vấn đề thờ cúng tổ tiên

Nói rằng Pháp Luân Công “không cho thờ cúng tổ tiên” là một lập luận chụp mũ, bởi lẽ chúng ta không thể nào gán cho một đối tượng một lời mà người đó không hề nói. Trong các tác phẩm chính của Pháp Luân Công không hề đề cập gì đến việc thờ phụng tổ tiên. Nhưng vì sao vẫn có những lời đồn vô căn cứ rằng: học Pháp Luân Công là phải bỏ bàn thờ, không thờ phụng tổ tiên, ông bà cha mẹ?

Xưa nay đã có không ít những luận điệu chụp mũ, bôi nhọ, gán ghép vô căn cứ cho Pháp Luân Công, và luận điệu trên cũng là một trong số ấy. Các kênh truyền thông, trang mạng, hoặc các nhà báo hoặc vô trách nhiệm, hoặc thiếu hiểu biết, hoặc vì xuôi theo xu thế bức hại và bôi nhọ của Trung Cộng thường lợi dụng chủ đề nhạy cảm này để công kích Pháp Luân Công. Bởi vì vấn đề thờ cúng tổ tiên luôn là vấn đề hệ trọng và tôn nghiêm trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và người Đông Á nói chung. Những kẻ ác ý biết rõ rằng, nếu khai thác và lợi dụng được phương diện này, thì họ sẽ thành công trong việc khơi dậy sự ác cảm của công chúng đối với Pháp Luân Công. Thiết nghĩ, để có cái nhìn “chính kiến” thực sự, chúng ta cần phải giải quyết từ vấn đề căn bản nhất: đó là hiểu đúng về tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên của người Việt.

Ảnh minh họa: Internet

Tín ngưỡng về tổ tiên phát xuất từ ý thức về cội nguồn, ý thức về căn tính của con người; đây là một truyền thống mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có. Người châu Á, đặc biệt là các quốc gia có ảnh hưởng văn hóa Nho giáo thì việc thờ cúng ông bà tổ tiên vốn là một việc hệ trọng, những dịp giỗ chạp, bàn thờ gia tiên… là bộ phận tinh thần không thể thiếu. Người phương Tây vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Thiên Chúa giáo, họ quan niệm người chết là đã về với Chúa, nên họ không hề cúng bái như người châu Á. Nhưng không có nghĩa là họ không có cách thể hiện truyền thống tưởng nhớ tổ tiên của riêng mình. Pháp Luân Công được phổ truyền ra trên khắp thế giới đến nhiều quốc gia, nhiều dân tộc với nhiều nền văn hóa khác nhau nên hẳn nhiên không thể buộc tất cả mọi người trên thế giới phải theo một “giáo điều” duy nhất, vậy nên trong các tác phẩm của Pháp Luân Công, không hề đề cập gì đến việc phải thờ cúng tổ tiên cụ thể như thế nào.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang những ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc mà không phải bất cứ ai cũng hiểu hết được tinh thần của nó. Đầu tiên, việc thờ cúng bắt đầu khi người thân mới qua đời,  thân quyến của người quá cố phải tiến hành cúng cơm hàng ngày, kế đó là cúng lễ ba ngày (cúng mở cửa mả, ngụ ý để linh hồn yên tâm sống ở cõi khác), cúng tuần 7 ngày, rồi cúng tuần 49 ngày là cúng giải tỏa phần tiểu vũ trụ đã hình thành nên thể xác mỗi con người có hồn có vía, mát mẻ tiêu đi, để linh hồn thanh thản đầu thai kiếp khác. Cuối cùng là cúng cầu siêu; tất cả những nghi lễ cúng bái này cũng đều là ngụ ý giúp linh hồn người chết ra đi thanh thản, để họ yên tâm những việc ở trần gian và sẵn sàng siêu thoát sang một chu trình biến chuyển khác, chứ không phải là cứ giữ hương linh ở lại vất vưởng chốn trần gian.

Sau khi người chết tròn 100 ngày thì lại tiếp tục cúng “tốt khốc”, tức là “thôi khóc than”, ngụ ý rằng đến lúc này linh hồn đã có đủ điều kiện “tự lập” ở thế giới bên kia, nên người thân không cần phải khóc thương, cũng không cần phải cúng cơm hàng ngày nữa. Đây cũng là một lễ chế rất có tính nhân văn, nó không chỉ an ủi linh hồn người chết, mà còn có tác dụng an ủi tâm lý người sống, khuyên chúng ta nên gác lại đau buồn, làm nhiều điều lành và nên chấp nhận quy luật sinh tử của vũ trụ.

Sau khi người chết mãn tang, thì hàng năm thân quyến tiếp tục cúng giỗ. Hoạt động này chủ yếu là nhớ ngày mất của cha, ông, cụ, kỵ mà cúng giỗ. Tuy nhiên, việc truyền thừa hương hỏa này chỉ truyền trong vòng 5 đời. Sau 5 đời, thì người giữ hương hỏa không cần phải cúng giỗ nữa, bởi vì hết 5 đời, vật chất biến chuyển sang một chu trình khác, hết quan hệ máu mủ, không trong vòng cúng lễ nữa.

Tất cả những lễ chế trên đây được quy định rất chặt chẽ, việc cúng bái tổ tiên từ xa xưa là việc hệ trọng, không thể coi nhẹ. Dẫu rằng trong thực tế các nghi thức có thể có nhiều khác biệt do chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và còn tùy văn hóa vùng miền, nhưng ý nghĩa chính của việc thờ cúng cũng chỉ nhằm mục đích chuẩn bị hành trang, đưa tiễn linh hồn người đã khuất ra đi thanh thản, đồng thời nhắc nhở, an ủi người còn sống nên tích đức hành thiện để hỗ trợ cho thân nhân quá cố của mình, chứ không phải là để người sống bị ám ảnh, dày vò với sự buồn đau dai dẳng. Điều này cho thấy rằng, dù không đề cập gì cụ thể đến việc thờ cúng tổ tiên, nhưng quan điểm của Pháp Luân Công không hề mâu thuẫn với truyền thống văn hóa gia đình, truyền thống tín ngưỡng dân tộc.

Trong tác phẩm chính của Pháp Luân Công, Bài giảng thứ sáu có lưu ý đến hiện tượng “tự tâm sinh ma”, tức là có một số người nằm mơ thấy thân nhân quá cố quay về khóc lóc kể lể và bảo họ phải làm điều này điều nọ, đó là những việc không thể làm. Chi tiết này cũng không hề mâu thuẫn gì với những nguyên tắc thờ cúng tổ tiên. Bởi lẽ tinh thần của tín ngưỡng tổ tiên là để nhắc nhở con cháu hành thiện tích đức, làm điều tốt vì người đã khuất “nếu cha mẹ mất rồi, nếu là việc thiện, nghĩ rằng có thể làm rạng danh cha mẹ thì nên quả quyết mà làm, nếu như việc gì bất thiện nghĩ rằng khiến cha mẹ xấu mặt thì không nên làm”. (Lễ Ký). Thờ cúng tổ tiên dù rất quan trọng, nhưng không cốt ở việc hành lễ cúng bái linh đình mà quan trọng ở việc giáo dục tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn.

Cũng cần phải nói thêm rằng triết lý, tinh thần và nguyên tắc về thờ cúng tổ tiên thường được quy định trong sách vở kinh điển của Nho giáo (cụ thể là trong các sách như Lễ Ký, Nghi lễ và các bộ Gia lễ của Trung Quốc, Việt Nam…) các tôn giáo lớn khác như Phật giáo nguyên thủy, Thiên Chúa giáo… cũng không hề đề cập đến việc tín đồ phải thờ cúng tổ tiên như thế nào. Riêng đối với Phật giáo, trước khi được du nhập sang Đông thổ (tức các nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…) cũng không hề có những phạm trù về tín ngưỡng tổ tiên. Nếu như vậy thì gán cho các tôn giáo này là “phá bỏ việc thờ cúng tổ tiên, phá bỏ truyền thống” liệu có được chăng? Hẳn nhiên là không. Điều này chỉ cho thấy những luận điệu gán ghép Pháp Luân Công đòi phá bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hành vi đầy ác ý, có chủ đích của các kênh truyền thông và những tác giả vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết.

Chung quy lại, người học Pháp Luân Công có thờ cúng tổ tiên hay không? Xét về góc độ tự do tín ngưỡng, thì đó là quyền tự do của mỗi công dân, người dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, có quyền thờ phụng hoặc không thờ phụng một đối tượng nào. Xét về góc độ truyền thống văn hóa, trong sách Đại Viên Mãn Pháp, Phụ lục IV, ngài Lý Hồng Chí đã lưu ý rằng: Hễ là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì đều cần tích cực duy hộ đoàn kết [trong] giới tu luyện, cộng đồng gắng sức vì sự nghiệp phát triển truyền thống văn hoá của nhân loại. Thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp, như vậy không có lý do gì mà người học Pháp Luân Công tại Việt Nam lại phải bỏ việc thờ cúng tổ tiên. 

Tài liệu tham khảo

  1. Các kênh truyền thông bôi nhọ, gán ghép Pháp Luân Công bỏ thờ cúng tổ tiên:

http://phatgiaonghean.vn/phat-tu-co-nen-theo-tap-phap-luan-cong-.html

https://phatgiao.org.vn/giai-ma-hien-tuong-ao-giac-dua-tren-kinh-sach-giao-ly-cua-phap-luan-cong-d35143.html

  1. Quan niệm về thờ cúng tổ tiên trong Phật giáo Đông Á là sản phẩm do tiếp biến văn hóa:

https://phatgiao.org.vn/y-nghia-tho-cung-to-tien-theo-quan-diem-cua-phat-giao-d41936.html

  1. Nguyễn Đăng Duy (2001) – Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s