Bài chia sẻ từ FB Công Danh Nguyễn
Vài thể ngộ về tình huống thực tế tại Việt Nam
Hình thức tu luyện mà Sư Phụ lưu cấp cho chúng ta là “đại đạo vô hình”, tức là không hình thành tổ chức, cấp bậc, chỉ lấy việc luyện công, học Pháp nhóm làm trung tâm. Ở một số quốc gia có hành lang pháp luật thông thoáng như Mỹ, châu Âu, Đài Loan… các học viên sở tại có đăng ký thành lập các tổ chức hội đoàn như Phật Học Hội, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, Trung tâm Thoái đảng… mục đích là để hình thành bề mặt chỉnh thể, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động tu luyện của học viên, tập trung nguồn lực cho các hạng mục giảng thanh chân tướng trên quy mô lớn từ đó tạo nên tác dụng chính diện rộng rãi trong xã hội.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia có điều kiện hạn chế như Trung Quốc, Việt Nam… thì việc hình thành những đoàn thể như vậy là điều khó thực hiện, nhưng không phải vì vậy mà việc tu luyện và giảng thanh chân tướng bị dừng lại. Các học viên tại các quốc gia này vẫn bám chặt vào nguyên tắc “đại đạo vô hình”, tức là “quần chúng tự phát học Pháp và luyện công, không có tổ chức, tự nguyện tham gia luyện buổi sáng sớm, bảo trì đặc điểm và thuần khiết.” (Tinh tấn yếu chỉ I – Gửi các học viên Bắc Kinh). Riêng ở Việt Nam, trong thời gian đầu các điểm học Pháp, luyện công được hình thành trên tinh thần tự phát thành những cộng đồng nhỏ tại mỗi địa phương, ở đó các học viên hỗ trợ lẫn nhau trong tu luyện trên tinh thần tự nguyện. Trong số đó có một số học viên tu lâu, họ chủ động giúp đỡ mọi người trong những công việc chung như phó xuất không gian nhà ở của mình để làm điểm học Pháp, mang loa phát nhạc luyện công mỗi buổi sáng, dạy động tác luyện công cho người mới… Dù đây là những công việc nhìn bề ngoài có vẻ rất đơn giản, nhưng bản thân những học viên này cũng đã là những “điều phối viên”, “phụ đạo viên” tự nguyện tích cực.

Trong tu luyện hẳn nhiên sẽ có khảo nghiệm, hơn nữa cuộc bức hại của tà ác không chỉ hạn cục ở Trung Quốc. Trải qua một thời gian, các điểm học Pháp, luyện công này bị can nhiễu; tại nhiều địa phương xuất hiện các nhóm côn đồ đi hành hung, quấy rối, đe dọa, ngăn cản học viên tu luyện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: đánh đập gây thương tích, chửi bới, tạt nước bẩn,… có người còn bị đe dọa, khủng bố tinh thần, có người thì bị nơi làm việc gây áp lực chỉ vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Công, thậm chí các kênh truyền thông bẩn trong nước còn công khai bôi nhọ, xuyên tạc thanh danh của Đại Pháp. Trước những loạn tượng đó, đã có nhiều phụ đạo viên tự nguyện chủ động cùng học viên tại địa phương dũng cảm bước ra vạch trần bức hại, giảng rõ sự thật, dần dần quy chính lại hoàn cảnh tu luyện. Nhưng cũng có nhiều người trong thời gian ban đầu cảm thấy hoang mang, chưa biết phải làm thế nào, có người còn bỏ điểm luyện công, thậm chí từ bỏ tu luyện… Những điều này suy cho cùng cũng là bức hại từ phía bên ngoài mà chúng ta nhất thời chưa vượt qua được và cần phải đề cao hơn nữa.
Ngoài ra còn một điều đáng lưu ý là trong nhiều năm trở lại đây, quốc nội Việt Nam lại xuất hiện một số người tự xưng là “phụ đạo viên”, “liên lạc viên”, “điều phối viên” đi khắp nơi tuyên truyền rằng họ thuộc về một “Ban điều phối Việt Nam” nào đó, những người này không hiểu gì, hoặc hoàn toàn phớt lờ về tình hình địa phương nhưng họ lại kêu gọi mọi người phải “phối hợp chỉnh thể”, ở những nơi học viên trực tiếp bị bức hại căng thẳng thì không hề thấy họ xuất hiện và cũng chưa bao giờ thấy họ lên tiếng bảo vệ học viên. Tuy nhiên, họ thường tạo thành các nhóm chat kín để kêu gọi học viên tham gia những hoạt động mập mờ được gọi là “hạng mục” như: phó xuất tài chính đặt vé khi Shenyun về Việt Nam, mua hàng giảm giá của Shenyun, kêu gọi người Việt Nam thoái đảng, ngồi canh máy tự động gọi điện giảng chân tướng sang Trung Quốc, tổ chức “Pháp hội bí mật”,…. Nếu như có học viên nào nêu lên một vài điều chất vấn thì lập tức sẽ bị nhóm “phụ đạo viên” này gán cho cái mũ “không phối hợp chỉnh thể”, “tà ngộ”, “nhiều nhân tâm” rồi sau đó cô lập, bài trừ,… Có thể nói không quá rằng, đây chính là một hình thức bức hại từ bên trong. Thủ đoạn bức hại thì có rất nhiều, nhưng theo thể ngộ của tôi, điểm chính yếu vẫn là học viên Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự coi trọng vấn đề lấy Pháp làm thầy, chưa thực sự hiểu rõ về hình thức tu luyện “Đại đạo vô hình” mà Sư Phụ đã lưu cấp cho chúng ta. Sau đây tôi xin chia sẻ một vài thể ngộ cá nhân về khía cạnh này, mong được quý đồng tu khắp nơi chia sẻ và đóng góp thêm.
“Đại đạo vô hình” và chỉnh thể
Trong thư Gửi các học viên tu lâu ở Bắc Kinh, Sư Phụ nói rằng:
“Chúng ta không có hình thức tổ chức, đi theo con đường Đại Đạo vô hình, không tồn tiền, không tồn vật, không cấp chức quan, không có chức vụ. Nếu các nơi đều đăng ký vô nguyên tắc, trở thành có chức vụ nào đó, có chương trình nào đó, tham dự vào hoạt động của khí công sức khoẻ hoặc khí công giả, thế thì tuyệt đối không được. (Tinh tấn yếu chỉ I – Gửi các học viên tu lâu ở Bắc Kinh)”
Bối cảnh khi Sư Phụ viết bài này là vào năm 1998, lúc đó Pháp Luân Đại Pháp đã tách khỏi Hiệp hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc. Các học viên ở Bắc Kinh muốn đăng ký thành lập một hội đoàn riêng đúng theo pháp luật Trung Quốc đương thời để có thể hình thành chỉnh thể trên toàn quốc. Sư Phụ đã nêu lên một nguyên tắc lớn nhất cho các học viên Bắc Kinh đó là con đường “đại đạo vô hình” tức không có thu gom tài vật, không phân định chức vụ như tổ chức người thường. Trong bài này, Sư Phụ cũng nói đến trường hợp nếu không thể đăng ký chính thức được thì “vẫn cứ như cũ thôi, quần chúng tự phát học Pháp và luyện công, không có tổ chức, tự nguyện tham gia luyện buổi sáng sớm, bảo trì đặc điểm và thuần khiết.” (Tinh tấn yếu chỉ I – Gửi các học viên tu lâu ở Bắc Kinh).
Như vậy theo cá nhân tôi ngộ được, chỉnh thể của Đại Pháp phải được hình thành trên cơ sở tu luyện và chứng thực Pháp của học viên, đó mới là tối trọng yếu. Có tu luyện thì mới có chỉnh thể, cụ thể như hoạt động tu luyện hằng ngày của học viên là học Pháp và luyện công, vậy thì thực tế sẽ nảy sinh một số vấn đề như cần một địa điểm học Pháp, cần một địa điểm luyện công, cần dịch thuật các kinh sách Đại Pháp để cho học viên sử dụng và một số công việc liên quan… như vậy bất cứ ai tình nguyện phó xuất công sức để hỗ trợ cho hoạt động tu luyện đều có thể trở thành “điều phối viên”, đều trở thành “phụ đạo viên” được chứ không cần phải đợi “phân công”, “thông tri” hay “chỉ thị”.
Ví như có một đồng tu tự nguyện sử dụng nhà riêng của mình để làm điểm học Pháp hàng tuần, hay một đồng tu tự nguyện đem loa phát nhạc luyện công vào mỗi buổi sáng đến điểm luyện công… bản thân họ đã là một người “điều phối viên” rồi, hoặc như một đồng tu tình nguyện phó xuất thời gian dạy động tác luyện công cho những người mới thì bản thân họ cũng là “phụ đạo viên”. Nói chung, “điều phối viên” hay “phụ đạo viên” vốn dĩ không phải là một cái chức danh được phân công, được đề bạt hay thông qua “bầu cử” như trong các tổ chức, đoàn thể của xã hội người thường mà là nó dựa trên cơ sở phó xuất tình nguyện “vô ngã vị tha” của học viên, trên tinh thần tự nguyện hỗ trợ cho công việc chung; chính vì vậy “phụ đạo viên”, “điều phối viên” hay “liên lạc viên” thực hiện công việc không phải bằng quyền lực, bằng chỉ đạo hay mệnh lệnh mà là trên nguyên tắc phục vụ vì cộng đồng. Sư Phụ đã giảng rằng:
“Có thể chiểu theo yêu cầu của tôi về trạm phụ đạo mà làm hay không, đó là một nguyên tắc rất trọng yếu! Là liên quan đến hình thức lưu truyền Pháp trong tương lai. Tại sao không thể buông bỏ thói quen được nuôi dưỡng qua thời gian lâu ở chốn quan trường27? Không được coi trạm phụ đạo như đơn vị hành chính ở xã hội người thường để đối đãi bằng phương pháp công tác và thái độ của nó, nào là ra các văn kiện nào đó, làm các quán triệt hay chấp hành nào đó, đề cao nhận thức nào đó. (Tinh tấn yếu chỉ I – Không phải công tác mà là tu luyện).
Như vậy, “chỉnh thể” không phải là hệ thống tổ chức được phân cấp chặt chẽ từ trên xuống dưới, được vận hành bằng mệnh lệnh và chỉ thị, “chỉnh thể” thật sự phải lấy sự thực tu làm trung tâm, và trên cơ sở tự nguyện hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng học viên. Mọi người thử nghĩ xem, nếu như không phải vì động cơ tự nguyện phó xuất, tự nguyện hỗ trợ lẫn nhau trong tu luyện thì những cái danh như “phụ đạo viên”, “điều phối viên” liệu có ý nghĩa gì? Chúng ta có cần những cái danh ấy không?
Như vậy những người tư xưng là “phụ đạo viên”, “ban điều phối” lẩn khuất trong bóng tối vì cớ “bảo mật”, đưa ra chỉ đạo này, thông tri kia (nhưng không ai biết họ là ai) liệu họ có phải là đang cố gắng hình thành một kiểu tổ chức ngầm? Chúng ta có thực sự cần đến cái “chỉnh thể” như họ nói hay không? Phải chăng nếu thiếu sự tổ chức ấy thì chúng ta không tu luyện được?
Trên thực tế, vào năm 1999 cuộc bức hại toàn diện đã nổ ra và ý nguyện xin phép thành lập đoàn hội của học viên Bắc Kinh đã không thành công, nhưng không phải vì vậy mà việc tu luyện, chứng thực Pháp của học viên Trung Quốc đại lục bị dừng lại, cho đến nay – ngay tại trung tâm của Pháp chính – đất nước Trung Quốc, các Đệ tử Đại Pháp vẫn tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc “đại đạo vô hình” mà Sư Phụ đề ra và vẫn chỉnh thể đề cao. Đó là một ví dụ rõ ràng nhất cho sự phối hợp chỉnh thể trong tu luyện.
Vấn đề phối hợp chỉnh thể trong giảng thanh chân tướng
Vì sao chúng ta phải giảng thanh chân tướng, vì đã có bức hại nổ ra, nhưng Sư Phụ hoàn toàn không thừa nhận cuộc bức hại này: Chư vị biết chăng? Cựu thế lực kia đã an bài khảo nghiệm tà ác này, tôi hoàn toàn không thừa nhận. Những sinh mệnh không gian tầng thấp dám hùng hổ phá hoại, ấy là vì tại tầng cao tột cùng của vũ trụ các sinh mệnh chưa bị xử lý hoàn toàn đã hình thành một cái tấm chắn. Trước khi tấm chắn này bị tiêu huỷ triệt để trong Chính Pháp, các sinh mệnh thấp tầng và tà ác ở thế [gian] không thể thấy chân tướng, nên mới không biết mà dám hung hăng hành ác. (Tinh tấn yếu chỉ I – Kiến nghị)
Giả sử như không có bức hại, thì Đệ tử Đại Pháp không cần phải giảng thanh chân tướng, tuy nhiên vì Cựu thế lực đã từ cao tầng an bài một bộ những thứ của chúng nên Sư Phụ đã tương kết tựu kế, để cho Đệ tử Đại Pháp trong quá trình giảng thanh chân tướng, cứu độ chúng sinh có thể đề cao bản thân, thành tựu chính mình: Là đệ tử Đại Pháp, trong tình huống trước mắt này cần hướng tới con người nhân thế mà giảng rõ chân tướng, vạch rõ tà ác, từ đó mà duy hộ Đại Pháp. Nâng cao cá nhân và viên mãn chính là trong quá trình này. (Tinh tấn yếu chỉ I – Kiến nghị)
Qua đoạn Pháp trên, theo cá nhân tôi ngộ được thì sự đề cao và viên mãn của cá nhân hoàn toàn không tách rời khỏi thực tiễn trong quá trình thực hiện ba việc trọng yếu. Trong đó, ngoài học Pháp, luyện công ra, quan trọng nhất là giảng thanh chân tướng là vạch trần cuộc bức hại, để con người thế nhân biết rõ sự thật về mọi thủ đoạn bức hại của tà ác. Như vậy, bất cứ nơi đâu chỉ cần có bức hại thì nơi đó đều cần giảng thanh chân tướng. Việc giảng thanh chân tướng có nhiều hình thức khác nhau nhưng quan trọng nhất là hình thức ấy phải phù hợp với tình huống đặc thù của từng quốc gia, từng khu vực và địa phương.
Riêng về các thủ đoạn bức hại, thì ở Trung Quốc là trung tâm chính và nặng nề nhất, tuy nhiên qua những kinh văn Sư Phụ giảng trong những năm gần đây, cá nhân tôi nhận thấy đối tượng bức hại của tà ác là toàn nhân loại chứ không phải chỉ có giới hạn ở một quốc gia như Trung Quốc. Mức độ bức hại có thể nặng nhẹ khác nhau nhưng tất cả đều là bức hại và đều phải bị vạch trần. Ví dụ như ở Việt Nam, có không ít trường hợp học viên bị côn đồ hành hung ở điểm luyện công tại nơi công cộng, hoặc bị can nhiễu bằng nhiều hình thức như tạt nước bẩn, phát loa âm thanh lớn để quấy rối, có người bị tà ác gây áp lực đến đơn vị làm việc đến mất công ăn việc làm, hoặc như điểm học Pháp bị sách nhiễu… Dĩ nhiên những hành động này không nặng nề như tình huống Trung Quốc, nhưng tất cả cũng đều là bức hại, tất cả đều phải bị vạch trần.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều học viên cho rằng đó là “khảo nghiệm” và chúng ta phải vượt qua bằng cách “nhẫn”, không ít người né tránh, không có những hành động cần thiết như tố cáo kẻ hành ác với cơ quan chức năng, công khai vạch trần các thủ đoạn bức hại, mà chỉ một mực chịu đựng, thỏa hiệp, hoặc thậm chí bỏ luôn điểm luyện công vì áp lực căng thẳng. Những người “phụ đạo viên tự xưng”, “điều phối viên tự xưng” thì cho rằng: trung tâm cuộc bức hại là ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam, vì vậy học viên Việt Nam nên “thiện giải”, không nên “có tâm tranh đấu”, vì khi công khai tố cáo các hành vi bức hại này là “đối đầu với chính quyền”. Thực ra việc vạch trần tà ác một cách hợp pháp không có liên quan đến tâm tranh đấu hay đối đầu với chính quyền. Hơn nữa, thỏa hiệp với tà ác là một quan niệm đảo lộn thiện ác, chứ không phải là “thiện giải”.
Vào tháng 11 năm 2021, một vụ hành hung học viên Đại Pháp đã xảy ra tại thủ đô Paris, Pháp. Những tên côn đồ đã chặn xe giảng chân tướng của học viên, sau đó chúng dùng thanh sắt cứng đập vào chiếc xe này tạo thành một vết móp trên cửa xe. Ngay lập tức, các học viên đã báo cáo ngay với cục cảnh sát Paris, Pháp Luân Đại Pháp Phật Học Hội tại Pháp cũng phát ngôn lên án hành vi của nhóm côn đồ, họ bày tỏ hi vọng cảnh sát Paris nhanh chóng tiến hành điều tra để xét xử đúng người đúng tội. Rõ ràng, vụ việc này là một tham chiếu rất đáng để cho học viên Việt Nam học hỏi: các học viên Pháp đã không thỏa hiệp và triệt để phủ nhận mọi hành vi bức hại, họ đã thông qua phương thức của pháp luật người thường để giảng chân tướng, Phật học hội Pháp cũng đã lên tiếng kịp thời để bảo vệ học viên. Một lần nữa, phối hợp chỉnh thể được thể hiện trong sự chủ động và tinh thần tự nguyện hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải bằng chức vụ, mệnh lệnh hay chỉ đạo. (https://www.epochtimes.com/gb/21/11/7/n13359770.htm) Tại Việt Nam cũng diễn ra không ít trường hợp học viên bị hành hung, đe dọa như vậy, thậm chí còn nặng nề hơn, nhưng vẫn chưa thấy có một “Ban điều phối”, “Tổng hội” nào lên tiếng công khai để bảo vệ học viên, mà trên thực tế chỉ thấy các “Ban điều phối”, “Tổng hội” tự xưng này kêu gọi học viên tham gia những hoạt động phi thực tế, hao tốn tài nguyên, không giúp ích cho thực tiễn tu luyện và chứng thực Pháp , đồng thời họ còn quy sự bức hại này thành “khảo nghiệm tâm tính” cho nên học viên phải tự mình vượt qua bằng cách “học Pháp”, “hướng nội” hay chỉ đơn giản là ở nhà “phát chính niệm” là đủ. Đây là những biểu hiện mà chúng ta đáng nên phải lưu ý.
Kết
Để giải khai những tồn tại trong vấn đề phối hợp chỉnh thể trong tu luyện, đồng thời bước vững chắc hơn nữa trên con đường trợ Sư chính Pháp, thiết nghĩ chúng ta nên bám chắc vào nguyên tắc “dĩ Pháp vi Sư”, xây dựng cơ sở tu luyện cá nhân thật vững, phát huy sự tự nguyện, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, “vô ngã vị tha” trong mọi hạng mục chứng thực Pháp, chứ không phải là sự chờ đời, thụ động hay hướng ngoại cầu từ “chỉ đạo” của một ai khác. Như Sư Phụ đã nói: “Trợ Sư Chính Pháp” không phải là một ngôn từ hào tráng, một câu rỗng tuếch” (Tinh tấn yếu chỉ I – Thế nào là trợ Sư chính Pháp), chúng ta phải cố gắng bước thật chắc trên con đường mà Sư Phụ đã an bài, phủ nhận mọi bức hại từ bên ngoài lẫn bên trong như vậy mới có thể thực hiện thật tốt sứ mệnh của Đệ tử Đại Pháp.
Trên đây là thể ngộ cá nhân, mong được mọi người chỉ điểm thêm! Xin cảm ơn mọi người đã theo dõi.