Vào ngày 21/6/2022, vụ án hình sự do Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử hai người là An Thị Mai Trâm và Nguyễn Trọng Bằng về hành vi phát tờ rơi có in các nội dung: Xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch đường lối, chủ trương của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được tường thuật trên báo Bảo vệ pháp luật – cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bài báo có tiêu đề “Tuyên án hai bị cáo tuyên truyền sai lệch công tác phòng, chống dịch”, tác giả có bút danh Hà Nhân.
Bài báo này viện dẫn một thông tin đáng lưu tâm, là những người bị phạt tham gia Hội đồng tu Pháp Luân Công và đã tiếp nhận các tờ rơi A4 của các đối tượng trong nhóm (!).
Khi xem xét nội dung này của bài báo trên trang của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chúng tôi nhận thấy cách đưa tin khá là kỳ lạ, thậm chí có phần lạc lõng: Bài báo tham chiếu đến một nhóm người tu luyện một bộ môn, nhưng rất khó có thể liên hệ thông tin này đến các tội danh trong vụ án hình sự dù đó có là môn gì, đặc biệt khi đó lại là Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công (còn có tên gọi khác là Pháp Luân Đại Pháp) chú trọng dạy Chân Thiện Nhẫn, tập luyện khí công và cư xử ôn hòa, học viên tuyệt đối không tham gia vào các sự vụ quốc gia và đặc biệt là hoàn toàn không có lý do gì lại quản việc đường lối, chính sách của Nhà nước dù đó là chính sách gì. Quan trọng hơn cả, các cá nhân có hành vi gì đều là vấn đề trách nhiệm của cá nhân, khó có thể quy chụp ý chí, hành động của một vài cá nhân lên cả một bộ môn và gây ảnh hưởng đến cộng đồng đông đảo những người nghiên túc theo học theo Pháp Luân Công khác. Cá nhân tôi thấy cách truyền tin như bài viết trên báo Bảo vệ pháp luật dường như không giống với cách chính thống, khách quan khi quan tòa nhận định về vụ án, mà như thể đang cố gắng thông qua một cá nhân để “dán nhãn” một phạm trù rộng lớn hơn.
Bị thôi thúc bởi bản tin kỳ lạ này, chúng tôi đã thông qua cộng đồng học viên Pháp Luân Công và đồng thời liên hệ tòa soạn báo Bảo vệ pháp luật để tìm hiểu thực hư sự việc.
Tài liệu tự soạn không rõ tác giả
Không quá khó khăn để chúng tôi tiếp xúc với nội dung trong những tài liệu bị coi là tang vật được nói đến trong vụ án. Các tài liệu liên quan trực tiếp đến tội danh đề cập trong bản án có nội dung về sự nguy hiểm của vắcxin Covid-19, được biên soạn theo hướng bí hiểm, kỳ quái, không có cơ sở khoa học hay nguồn dẫn. Tuy nhiên, người phát tài liệu này không chỉ phát một mình tài liệu đả kích vắc xin mà còn phát cùng với những tài liệu khác do họ tự soạn. Trong đó, tôi đặc biệt lưu ý những tài liệu thoạt nhiên tưởng như là đang hoằng dương Pháp Luân Công nhưng câu từ, lối hành văn lại trình bày bằng văn phong nguyền rủa, thù hận, gây phản cảm, rất khác với vẻ ôn hòa, từ bi thường thấy của các tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công mà những người ủng hộ bộ môn này thường chia sẻ.
Theo nhận định của chúng tôi, tất cả những tài liệu đều do cá nhân tự cóp nhặt, biên soạn và thiết kế dựa trên quan điểm chủ quan, một số thậm chí còn xuyên tạc lại những sự việc có thật và những căn cứ để khuếch trương quan điểm chủ quan theo cách cực đoan.
Đằng sau hoạt động rải truyền đơn mạo danh Pháp Luân Công
Điều tra sâu hơn, tôi được biết những tài liệu này có nguồn gốc từ nhóm một số người bị chính cộng đồng Pháp Luân Công lên án. Trang thông tin Minghui (Minh Huệ) – cửa sổ tu luyện nơi chia sẻ những thông tin về Pháp Luân Công đã có bài viết đăng tải cảnh giác học viên Pháp Luân Công, nhắc nhở các hoạt động của nhóm này gắn liền với “các chiến tích” bất hảo từ gần 10 năm trước.
Cái tên đầu tiên được nhắc đến đó là Phạm Xuân Giao – người “tiên phong” trong hoạt động rải truyền đơn những nội dung mà họ gọi là “chân tướng” nhưng trên thực tế là mượn Pháp Luân Công để tuyên truyền thù hận kích động, đối đầu với chính quyền. Phạm Xuân Giao lập ra một nhóm lấy tên tiếng Hán là “Thập tam đệ tử chân truyền” (dịch ra tiếng Việt là Mười ba người học trò được truyền dạy thực sự), mạo nhận danh nghĩa Pháp Luân Công để liên tục tổ chức các hoạt động ồn ào náo nhiệt, gây hiểu lầm về môn tu luyện ôn hòa này.
Sau Phạm Xuân Giao, tiếp tục nhóm tàn dư với sự dẫn dắt của người dẫn đầu mới Nguyễn Doãn Kiên thậm chí còn tiến hành các hành động táo bạo hơn như giật đổ tượng, tuyên bố đập phá công trình công cộng,…Khi thực hiện các hoạt động gây rối này cũng như khi hành xử chống đối trước chính quyền, họ không bao giờ quên mặc áo Pháp Luân Công như thể muốn người đối diện nhìn nhận đây chính là “tuyên ngôn”. Nhóm người này đã nhận tội danh hình sự gây rối trật tự công cộng vào năm 2014 cho các hành vi vi phạm của mình, dĩ nhiên hoàn toàn không liên quan đến Pháp Luân Công.
Mạo danh Pháp Luân Công để phá hoại và kích động không phải là hành động bộc phát của một nhóm nhỏ mà là một chương trình được tổ chức bởi kẻ chủ mưu Chu Vĩnh Khang, thuộc phe cánh Giang Trạch Dân (hiện đã ngồi tù sau chiến dịch thanh trừng của Tập Cân Bình). Họ Chu đã áp dụng mô hình này trong lần thí điểm đầu tiên vào năm 2008 tại Flushing, New York. Khi đó, Chu Vĩnh Khang đã cho những tên mật vụ Trung cộng đóng giả là học viên Pháp Luân Công để tuyên truyền kích động thù hận, buông ra những lời lẽ nguyền rủa, mục đích để khiến cho người dân Trung Quốc ở hải ngoại chứng kiến lầm tưởng rằng Pháp Luân Công là xấu xa và những người chưa biết về Pháp Luân Công sẽ hiểu sai về bộ môn này.
Thực tế, cuộc bức hại Pháp Luân Công là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới thời Giang Trạch Dân đã phát động phi pháp vì số người tu luyện, thọ ích từ Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên. Việc bôi nhọ sẽ hợp thức hóa bức hại. Một điệp viên trong nội bộ được huấn luyện bởi ĐCSTQ đã cho biết rằng chiến thuật “mạo danh” này là có hiệu quả nhất vì rất dễ dàng gây hiểu lầm về Pháp Luân Công. Chiến thuật này sau đó đã được áp dụng tại Hồng Kông và các quốc gia phương Tây khác, đa số các vụ quấy rối đã bị học viên Pháp Luân Công phơi bày và bị cảnh sát trấn áp.
Chính quyền không phản hồi về “Tổ chức bí ẩn” mạo danh Pháp Luân Công
Mặc dù hoạt động của “tổ chức bí ẩn” mạo danh Pháp Luân Công này đã diễn ra ở nhiều nhất trên thế giới và đã hoành hành gần 10 năm ở Việt Nam, và mặc dù các học viên Pháp Luân Công đã nhiều lần lên tiếng, tố cáo, kiến nghị điều tra nhóm người mạo danh này, nhưng vẫn chưa có phản hồi chính thức từ chính quyền chức năng về danh tính của “người chỉ đạo thực sự” các hoạt động mạo danh bôi nhọ Pháp Luân Công này là ai. Trong khi đó, hậu quả từ sự phá hoại này là có nhiều người dân bị lừa dối vì tin rằng Pháp Luân Công là làm ra những việc này, từ đó tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng.
Có lần, chúng tôi đã từng có đơn gửi chính quyền thành phố đề nghị cung cấp thông tin về “tổ chức bí ẩn” mạo danh Pháp Luân Công mà chúng tôi tình cờ được biết trong các văn bản nội bộ của các cơ quan Nhà nước, nhưng chính quyền cũng không xác định được tổ chức này. Lý do chỉ có thể, “tổ chức” này hoạt động quá “bí ẩn”, phi pháp nên không đăng ký với chính quyền Nhà nước và “đối tượng cầm đầu” – mà chúng tôi vẫn thường phản ánh là Phòng 610 – cơ quan chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ – thì không bao giờ lộ diện.
Trong vụ hình sự này, khi Hà Nội đang trải qua đại dịch covid và chính quyền đang phủ vắcxin toàn quốc, thì nhóm mạo danh lan truyền những tài liệu tự chế chống lại hoạt động chống dịch. Không bàn đến nội dung tài liệu của họ hay chính sách phòng dịch của Nhà nước, khi họ chủ đích truyền ra quan điểm đối nghịch với chính quyền thì lại trộn tài liệu Pháp Luân Công để trao tặng, khiến cho người nhận cảm thấy rằng Pháp Luân Công chính là đang có hoạt động tuyên truyền như vậy.
Như các vụ mạo danh mặc áo Pháp Luân Công gây rối trước đây, việc cố ý thể hiện rõ sự bất đồng, đối lập và lồng ghép vào với Pháp Luân Công là chủ ý muốn tuyên truyền gieo rắc thù hận rằng Pháp Luân Công là thế lực đối nghịch với chính quyền và chuyên phá hoại các chính sách quốc gia.
Trong vụ án hình sự về tội xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch đường lối, chủ trương của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19 này, tương tự như các vụ việc náo loạn trước nay với chiêu bài “trộn tài liệu lạ” nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công và đẩy Pháp Luân Công vào chỗ đối nghịch với chính quyền, kẻ chủ mưu cũng như “tác giả” của các tài liệu hoàn toàn vẫn “ẩn mình”.
Báo Bảo vệ Pháp luật tiếp nhận kiến nghị
Nhận thấy bài báo có tiêu đề “Tuyên án hai bị cáo tuyên truyền sai lệch công tác phòng, chống dịch” trên báo Bảo vệ pháp luật có xu hướng quy chụp hành vi của “hội đồng tu” nào đó trong vụ án với đa số nhiều học viên Pháp Luân Công nghiêm túc khác, chúng tôi liên hệ với tòa soạn và phóng viên để đề nghị họ gỡ bỏ đoạn tin gây thị phi, đồng thời giải thích về khả năng thủ đoạn nham hiểm, phức tạp của việc lợi dụng hoạt động náo loạn của “hội đồng tu” kia để bôi nhọ Pháp Luân Công.
Đặc biệt, chúng tôi khẳng định những tài liệu mà các nghi phạm phát tán ra và thời điểm mà họ lựa chọn để phát tán nó như thể chủ đích khiến nhiều người trong chính quyền thực thi chính sách Nhà nước sẽ có những thành kiến xấu về Pháp Luân Công, rất giống với ý đồ trong chiến dịch bấy lâu của phe cánh Giang Trạch Dân, ĐCSTQ.
Hơn nữa, xét ở góc độ nhận định sự việc, hành động của một vài cá nhân làm không thể bị sử dụng để thông tin rộng rãi trên báo chí theo hướng gây hiểu lầm cho cả một cộng đồng lớn nhiều người tập Pháp Luân Công khác, nhất là khi thông tin có xu hướng bôi nhọ Pháp Luân Công, đúng với ý đồ tuyên truyền của Giang Trạch Dân (ĐCSTQ).
Sau nhiều lần liên hệ với tòa soạn, cuối cùng chúng tôi được giới thiệu để làm việc trực tiếp với người phụ trách bài viết là phóng viên Trần Tâm. Người phóng viên sau khi nhận ý kiến của chúng tôi cho biết sẽ làm việc lại với tòa án để chuyển kiến nghị loại bỏ sự liên quan của Pháp Luân Công đối với vụ việc hình sự này. Theo thông tin từ cô nói với tôi, bài viết “Tuyên án hai bị cáo tuyên truyền sai lệch công tác phòng, chống dịch” chỉ là đưa tin “dựa trên biên bản xét xử sơ thẩm do Tòa án cung cấp”.
Tuy nhiên, chúng tôi đã tiếp cận Bản kết luận điều tra vụ án ngày 7/4/2022, cơ quan an ninh điều tra đã bổ sung các biện pháp điều tra và giám định cho nghi phạm. Trong nội dung của bản kết luận hoàn toàn không đề cập đến Pháp Luân Công hay “hội đồng tu” như là một điểm phá án trọng yếu.

Bản kết luận điều tra vụ án ngày 7/4/2022 của Cơ quan An ninh điều tra, Công An thành phố Hà Nội không quy chụp Pháp Luân Công liên quan đến vụ án
Chúng tôi không rõ ngoài kết luận nói trên còn có các thông tin, manh mối nào khác làm căn cứ xét xử cho tòa án, bởi lẽ lời khai từ các đối tượng thực chất là không hề chính xác về bản chất đằng sau của các hoạt động của họ. Chúng tôi đã gửi và làm rõ thêm một số thông tin để giúp nhà báo của Viện kiểm sát nhân dân có cái nhìn rõ hơn rằng ở Việt Nam đã từng có những trường hợp mạo danh Pháp Luân Công gây rối – tương tự như một phần của chiến dịch của Chu Vĩnh Khang gửi mật vụ Trung cộng đi ra nước ngoài để bôi nhọ Pháp Luân Công.
Pháp đình là nơi của công lý, là nơi phân xử diễn ra, không phải là nơi để đấu tố hay dán nhãn, càng không phải là nơi để thế lực ngoại bang lợi dụng tuyên truyền những nội dung phục vụ cho chiến dịch bành trướng của họ. Do vậy chúng tôi hi vọng rằng nội dung kiến nghị sẽ được người phụ trách truyền đạt cẩn thận và Viện kiểm sát nhân dân sẽ cân nhắc kiến nghị đến Tòa án. Trên tất cả, Viện kiểm sát có quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Trong cụ thể vụ án hình sự này, nếu đây vốn dĩ là một vụ án xét xử tội danh tuyên truyền chống lại các chính sách của Nhà nước, nhưng thông tin về các sự việc không liên quan như “hội đồng tu” gì đó lại được đề cập, thậm chí tô đậm như thể đây là tình tiết quan trọng của vụ án. Đây là một điều bất thường và có xu hướng thiên lệch, không giống với cách tòa án nhìn nhận về hành vi vi phạm.
Mặt khác, nếu như thông tin về “nhóm đồng tu” trong bài báo đưa có yếu tố then chốt trong việc kết án thì, sẽ là thị phi khi gọi tên “nhóm, hội” đó ra chỉ để ghi nhận trong bản án, trong đơn khởi tố, hay bất kỳ tài liệu điều tra nào…nhưng lại không tiến hành điều tra làm rõ về “kẻ chủ mưu” thực sự. Đây thực sự là điểm mâu thuẫn khiến cho bài báo ở trên trang Bảo vệ pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trở nên kỳ lạ trong mắt người đọc chúng tôi.
Hiện nay, chúng tôi vẫn chờ đợi thông tin cập nhật từ phóng viên Trần Tâm của báo Bảo vệ pháp luật về các ý kiến nói trên.


